Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

Hành trình mở cõi đất phương Nam

A /  Xác định miền đất phát tích dòng tộc
 
     Trong bản văn (phả ký) nói về nguồn gốc, xuất xứ và quá trình lập nghiệp của Đức Thủy tổ Nguyễn Văn Phú, có đoạn viết: “Tứ thế tổ, Hiển tổ khảo khâm môn, tiên triều sắc chuẩn Tả Giám đường, tổ tinh hiên kỳ chi thuật, thự lãnh ngự y, thường dĩ cẩn thận, tự cư thị tôn giáo tử y tích dư chi. Hiển tổ vi xuất Thanh Ba trấn, Hoằng Hóa huyện, Từ Quang tổng, Nguyệt Viên xã chi tiềm tông, phụng chỉ hộ tùng Lê triều Dụ Tông Hoàng đế kinh hạnh Nam thiên. Dư tổ nãi trạch địa trú Quảng Nam dinh, Thăng Ba phủ, Mông Lãnh xã...”.   

      Tạm dịch:  Đức thủy tổ Nguyễn Văn Phú của tộc Nguyễn Văn – Phú Triêm chúng ta sinh ra ở xã Nguyệt Viên, tổng Từ Quang, huyện Hoằng Hóa, trấn Thanh Ba. Vào thời Lê Trung Hưng (Nhà Hậu Lê), Ngài làm quan Ngự y, tinh thông nghề thuốc, được sắc phong chức Tả Giám Đường. Dưới triều vua Lê Dụ Tông (1705-1729), Ngài phụng mệnh vào Nam và sau đó đưa vợ, con vào miền đất mới Mông Lãnh, thuộc phủ Thăng Ba, dinh Quảng Nam, sinh cơ lập nghiệp.

     Khảo cứu tài liệu lịch sử, về địa danh quê hương của Đức Thủy Tổ Nguyễn Văn Phú, chúng tôi phát hiện 2 Văn bia thời Khải Định (Nhà Nguyễn) có liên quan. Thứ nhất là Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Kỷ Mùi niên hiệu Khải Định năm thứ 4 (1919), trong số 7 người của Ban đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ có ông Nguyễn Phong Di, sinh năm Kỷ Sửu, thi đỗ năm 31 tuổi, người xã Nguyệt Viên, tổng Từ Quang, huyện Hoằng Hóa, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Thứ hai, vào khoa thi năm Bính Thìn, niên hiệu Khải Định thứ nhất (1916), Văn bia đề danh Tiến sĩ, cũng có ghi tên 6 người trong Ban đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ, trong đó có ông Lê Khắc Khuyến, sinh năm Kỷ Mão, thi đỗ năm 38 tuổi, người xã Nguyệt Viên, tổng Từ Quang, huyện Hoằng Hóa, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa…

     Tiến sĩ Nguyễn Phong Di có phải là người bà con thân tộc, thuộc hàng hậu duệ của Đức Thủy tổ Nguyễn Văn Phú hay không, việc này chúng tôi chưa có điều kiện kiểm chứng, nên chưa làm rõ được. Tuy nhiên, với tài liệu Văn bia ghi rõ quê quán của ông Nguyễn Phong Di và ông Lê Khắc Khuyến, đã xác định được, vào thời Nhà Nguyễn, tại tỉnh Thanh Hóa, có xã Nguyệt Viên, tổng Từ
Quang, huyện Hoằng Hóa, phủ Hà Trung. Điều đó cũng khẳng định rằng, bản
văn (phả ký) của Phổ hệ đầu tiên ghi về miền đất phát tích dòng họ Nguyễn Văn – Phú Triêm của chúng ta là hoàn toàn chính xác, không có gì phải băn khoăn nữa...

     Theo phả ký, Đức Thủy Tổ Nguyễn Văn Phú xuất thân từ xã Nguyệt Viên, tổng Từ Quang, huyện Hoằng Hóa, trấn Thanh Ba. Thực chất, trấn Thanh Ba, tức là trấn Thanh Hoa, cũng là tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Có thể khi viết, hoặc chép lại Phổ hệ, do kỵ phạm húy thế nào đó mà các Tổ của Đời thứ 3, hoặc Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Chiêu – Đời thứ 5, viết chệch đi như vậy. Luận giải này có cơ sở, vì phủ Thăng Hoa, thuộc dinh Quảng Nam; trong bản văn cũng được viết chệch thành: phủ Thăng Ba (Quảng Nam dinh, Thăng Ba phủ, Mông Lãnh xã).
   
    
*
*     *


B / Đức Thủy Tổ Nguyễn Văn Phú vào Nam năm nào ?

    Tộc Nguyễn Văn – Phú Triêm của chúng ta đến nay còn lưu giữ được Phổ hệ trong đó có bản văn (phả ký) ghi rõ quê hương phát tích dòng tộc cũng là do công đức tô bồi của các Tổ đời trước mà có. Điều đáng tiếc là quyển Phổ hệ, phần lớn không ghi rõ năm sinh, năm mất của Đức Thủy Tổ Nguyễn Văn Phú đến đời các vị Tổ kế tiếp và mãi về sau này. Hầu hết chỉ ghi danh tính và ngày, tháng kỵ (giỗ) theo âm lịch.

    Vì vậy, để tính tuổi và tìm hiểu năm vào Nam để cùng các dòng tộc Dương, Lê, Trần, Lý… khai ấp lập làng ở xã Mông Lãnh, phủ Thăng Hoa, dinh Quảng Nam, của Đức Thủy Tổ Nguyễn Văn Phú, chúng tôi tạm lấy theo cách tính mà một số nhà khoa học đã đưa ra áp dụng. Đó là cách tính một thế hệ người Việt trung bình 23,5 năm. Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Chiêu thuộc Đời thứ 5, sinh năm Đinh Dậu – 1777, đến năm Gia Long nhị niên (1803), thì đã 26 tuổi (theo cách tính Dương lịch), 27 tuổi (theo cách tính Âm lịch).

     Suy ra, từ đời thứ nhất - Đức Thủy Tổ Nguyễn Văn Phú đến đời thứ 4 là: 23,5 x 4 = 94 năm. Cộng với số tuổi của Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Chiêu sẽ là: 94 + 27 = 121 năm. Ứng với năm 1682 (1803 -1682 = 121 năm), tức là năm Chính Hòa thứ 2 đời vua Lê Hy Tông thời Lê Trung Hưng (Nhà Hậu Lê). Đây cũng là năm sinh của Đức Thủy tổ.
Người xưa có câu “Tam thập nhi lập”, lấy cái mốc tuổi 30 Đức Thủy tổ Nguyễn Văn Phú ra làm quan (Quan Ngự y), thì đúng vào năm 1712, tức năm Vĩnh Thịnh thứ 8, đời vua Lê Dụ Tông.
    Chiếu theo lịch kê vào Nam 70 năm được ghi trong bản văn (phả ký) của quyển Phổ hệ đầu tiên, viết về thân thế, sự nghiệp của Đức Thủy Tổ Nguyễn Văn Phú thì cho thấy: Hành trình vào Nam của Đức Thủy Tổ Nguyễn Văn Phú bắt đầu từ năm Ngài đã xấp xỉ tuổi 50, hoặc 51 tuổi (121 – 70 = 51), ứng với năm 1733, năm Long Đức thứ 2 (Long Đức nhị niên), đời vua Lê Thuần Tông.        

   
*
*     *


     Một cách tính khác, theo ông Nguyễn Quang Tiển trong cuốn sách “Hướng dẫn viết gia phả” (NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội – 2000), thì trường hợp 5 đời ở chung một nhà gọi là Ngũ đại đồng đường; nếu ta lên một tuổi thì Cao Tổ phụ, Cao Tổ mẫu ít ra là 80 tuổi (Tính lúc ta sinh ra cha mẹ ta đã 20 tuổi). Với cách tính này áp dụng vào trường hợp Đệ Ngũ Thế Tổ khảo Nguyễn Văn Chiêu – Đời thứ 5, cho thấy:
     Nếu Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Chiêu lên 1 tuổi thì Đức Thủy Tổ Nguyễn Văn Phú đã vào tuổi 80. Trong khi, Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Chiêu soạn lại Phổ hệ vào năm Gia Long nhị niên – 1803, Ngài đã ở tuổi 27. Thêm vào đó, Ngài là con thứ 5 của Đệ Tứ Thế Tổ khảo Nguyễn Văn Hòa và Đệ Tứ Thế Tổ tỷ Lê Thị Khê. Tính cách nhau khoảng 1,5 năm, sinh một đôi thì người anh cả là Ngài Nguyễn Văn Bình sinh trước Đệ Tứ Thế Tổ khảo Nguyễn Văn Chiêu chừng 6 năm. Như vậy, ta có số tuổi của Đức Thủy Tổ Nguyễn Văn Phú tính đến năm 1803 (Gia Long nhị niên) là: 80 + 27 + 6 = 113 tuổi
     Lấy mốc 113 tuổi, tính ngược lại ta có năm sinh của Đức Thủy Tổ Nguyễn Văn Phú là: 1803 – 1690 = 113 tuổi. Năm 1690 là năm Chính Hòa thứ 11, đời vua Lê Hy Tông, thuộc Nhà Hậu Lê, thời Lê Trung Hưng. Cũng lấy mốc 30 tuổi, Đức Thủy Tổ Nguyễn Văn Phú đỗ đạt ra làm quan Ngự y, thì Ngài làm quan vào năm 1720 (1720 – 1690 = 30 tuổi). Năm 1720 là năm Bảo Thái thứ nhất, đời vua Lê Dụ Tông.
    Từ đây, ta lấy lịch kê tính từ năm Gia Long thứ hai – 1803 về trước là 70 năm như phả ký của quyển Phổ hệ đầu tiên mà Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Chiêu đã biên soạn, xác định Đức Thủy Tổ Nguyễn Văn Phú cùng gia đình vào Nam năm 43 tuổi (113 tuổi – 70 năm = 43 tuổi).  Đó là vào năm 1733 (1733 -1690 = 43 tuổi), ứng vào thời vua Lê Thuần Tông, năm Long Đức thứ 2. 
Theo bản cổ văn viết về nguồn gốc, xuất xứ và quá trình lập nghiệp của Đức Thủy Tổ Nguyễn Văn Phú thì vào đời vua Lê Dụ Tông, Ngài là quan Ngự y, phụng mệnh hộ tùng Dụ Tông Hoàng Đế kinh lý vào Nam và sau đó chọn đất Mông Lãnh, phủ Thăng Hoa, dinh Quảng Nam để lập nghiệp.    

     Nghiên cứu lịch sử cho thấy, vua Lê Dụ Tông là Hoàng Thái tử Duy Đường, con trai trưởng của vua Lê Hy Tông, sinh năm 1680, được vua cha truyền ngôi vào tháng 4 năm 1705. Thừa hưởng cơ nghiệp thái bình, được Chúa Trịnh Cương và các quan Bồi tụng Nguyễn Công Hãn, Lê Anh Tuấn, quan Tham tụng Nguyễn Công Cơ là những nhân vật đắc lực, liêm khiết giúp sức nên thời vua Lê Dụ Tông đã có nhiều cải cách, phát triển về các lĩnh vực: Quân sự, kinh tế, hành chính, thi cử… Theo sách Lịch triều tạp kỷ thì nhà vua “Bấy giờ thừa hưởng cơ nghiệp thái bình, không xảy binh đao, trong nước vô sự, triều đình có làm được nhiều việc. Pháp độ được rất đầy đủ, kỷ cương thi hành được hết. Xứ xa lạ thì dâng lễ vật tỏ lòng thành, thượng quốc (Trung Quốc) thì trả lại đất. Có thể gọi là đường cực thịnh. Nhà vua rủ tay áo, ngồi ở trên, không phải khó nhọc mà mọi việc đâu ra đấy. Khi nói đến cuộc thịnh trị ở thời bấy giờ người ta tất phải kể đến đời vua này...”. Cho đến năm 1729, trước khi chết, vì muốn cho Duy Phương là cháu ngoại của mình lên nối ngôi nên Trịnh Cương đã ép vua Dụ Tông nhường ngôi cho Thái tử Duy Phương, còn nhà vua làm Thái Thượng hoàng. Dụ Tông nhường ngôi song uất ức sinh bệnh mà mất năm 1731, thọ 52 tuổi.

    Tuy nhiên, Duy Phương lên ngôi vua chẳng được bao lâu thì Chúa Trịnh Cương mất, Trịnh Giang nối nghiệp cha muốn tỏ rõ uy quyền đã bỏ hết phép tắc, hủy bỏ các chính sách thuế khóa tài chính, truất Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trang xuống làm quận quân. Năm 1732, Trịnh Giang truất vua Lê Duy Phương xuống là Hôn Đức Công, rồi buộc phải thắt cổ chết, đưa con cả Dụ Tông là Duy Tường lên ngôi, tức vua Lê Thuần Tông. Duy Tường đổi niên hiệu Vĩnh Khánh thành Long Đức; nhưng chỉ làm vua đến năm 1735 thì mất. Thuần Tông mất, Trịnh Giang lại lập em của Thuần Tông là Lê Duy Thận lên làm vua, tức vua Lê Ý Tông… Trịnh Giang ăn chơi không lo việc triều chính nên nhân dân bất bình, nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra, với khẩu hiệu “Phù Lê diệt Trịnh”. Đó là những cuộc khởi nghĩa của nông dân Đàng Ngoài được ghi dấu trong lịch sử nước nhà.      Đến cuối năm 1738, các con của Dụ Tông là Lê Duy Mật và Lê Duy Diêu cùng con của vua Lê Hy Tông là Lê Duy Chúc làm binh biến diệt họ Trịnh nhưng không thành công, nên trốn về Thanh Hoa dấy quân chống lại… 

  Thời vua Lê Dụ Tông, Trịnh – Nguyễn đã đình chiến lấy sông Linh Giang (sông Gianh, Quảng Bình) làm ranh giới, chia đôi đất nước thành Đàng Ngoài và
Đàng Trong, mỗi bên hùng cứ, cai trị. Đến khi Lê Duy Mật chống Trịnh, đã sai sứ giả vào Đàng Trong xin chúa Nguyễn mở cửa biên giới đón nhận để hợp lực đánh Trịnh, nhưng chúa Nguyễn chỉ hậu đãi sứ giả rồi khước từ. Lúc bấy giờ, vị
chúa Nguyễn thứ 6 của chính quyền Đàng Trong là chúa Nguyễn Phúc Chu (ở ngôi từ 1691-1725), còn gọi Chúa Minh, hay Quốc Chúa Minh Vương (Quốc Chúa). Ông là vị chúa hiền tài, đầy mưu lược đã lo mở mang bờ cõi về phương Nam, khai khẩn đất hoang đặt nền móng vững chắc cho các vùng Nam Trung Bộ và Nam Bộ xưa, như lập các phủ Bình Thuận, Gia Định, lấy Đồng Nai, Sài Gòn… Khi Quốc Chúa mất, con trai trưởng là Nguyễn Phúc Chú nối ngôi năm 1725 (Chúa Ninh, hoặc Ninh Vương). Kế nghiệp cha, Ninh Vương giữ gìn và mở mang bờ cõi vùng đồng bằng sông Cửu Long, thiết lập đơn vị hành chính mới. Ninh Vương mất năm 1738, ở ngôi được 13 năm…

      Như vậy, có khả năng Đức Thủy tổ Nguyễn Văn Phú đã phụng mệnh vua Lê Dụ Tông theo sứ giả vào Nam khi đôi bên Trịnh – Nguyễn đình chiến và có quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, khả năng này rất ít xảy ra. Do bởi, Trịnh – Nguyễn đã lấy sông Gianh làm ranh giới quân sự, sử sách không hề ghi chép cuộc bang giao nào giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong. Khả năng có thể xảy ra nhất là giai đoạn Chúa Trịnh Giang lộng quyền gây bất bình cho nhiều bậc trung thần và nhân dân Đàng Ngoài, Đức Thủy tổ của chúng ta đã rời chốn triều ca về quê hương Thanh Hóa. Tới thời kỳ Lê Duy Mật, Lê Duy Diêu và Lê Duy Chúc làm binh biến diệt họ Trịnh ở kinh thành không thành, trốn về Thanh Hóa và cử đoàn sứ giả vào thương lượng với Chúa Ninh Nguyễn Phúc Chú mở cửa biên giới để hợp lực đánh Trịnh, Đức Thủy tổ của chúng ta đã có mặt trong đoàn sứ giả ấy. Đến đời vua Lê Thuần Tông thì Đức Thủy tổ đưa hẳn vợ con vào Quảng Nam cùng các dòng tộc khác khai ấp, lập làng ở Mông Lãnh.

     Sách “Sự nghiệp Lê Thánh Tông và Lê tộc Quảng Nam, Đà Nẵng” của Phạm Ngô Minh và Lê Duy Anh (NXB Đà Nẵng 1999), cũng có ghi rằng, đời các vua Lê Hy Tông (1676-1704), Lê Dụ Tông (1705-1728), Lê Đế Duy Phương (1729-1732), Lê Thuần Tông (1732-1735), Lê Ý Tông (1735-1740)…vì sự lộng quyền của các chúa Trịnh, bất mãn với sự làm vì của các vua Lê, xót xa trước thảm họa đau lòng của những người trong Hoàng tộc, nhiều trung thần và nhiều người dòng tộc họ Lê đã rời bỏ quê hương Thanh Hóa, rời bỏ kinh thành Đông Kinh lên đường vào phương Nam lập nghiệp. Đức Thủy tổ Nguyễn Văn Phú là bậc trung quân, ái quốc nên có thể, cũng như nhiều bậc trung thần khác, Ngài không nỡ khoanh tay ngồi nhìn các chúa Trịnh lộng quyền, làm những hành động vô đạo, trái với đạo nghĩa quân thần nên đã đưa vợ con rời quê hương Thanh Hóa vào Nam… 
Một vấn đề quan trọng có liên quan đến cuộc di cư vào Nam của gia đình Đức Thủy tổ; đó là xứ Đàng Trong bấy giờ dưới sự cai quản của Ninh Vương Nguyễn Phúc Chú (Chúa Ninh) nên thái bình, thịnh trị, nhà nhà an lạc. Thái úy Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng quê quán ở Gia Miêu, Tống Sơn, Thanh Hóa, là hậu duệ của Thái Tể Định Quốc Công Nguyễn Bặc. Sau Chúa Tiên Nguyễn Hoàng là
Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên con trai thứ 6 của Nguyễn Hoàng) nối nghiệp cha và đã xây dựng vương triều độc lập Đàng Trong. Tiếp đến là Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan; Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần; Chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn; Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu; Chúa Ninh Nguyễn Phúc Chú…
   
    Các chúa Nguyễn đều là xuất thân từ Gia Miêu, Tống Sơn, Thanh Hóa; đều là hậu duệ của anh hùng dân tộc Nguyễn Bặc thì chắc chắn cũng là người thân tộc với Đức Thủy tổ Nguyễn Văn Phú. Đặc biệt, thời Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, các quan lại và người quê gốc Tống Sơn (Thanh Hóa), di cư vào được ưu đãi trước tiên. Có thể đây cũng thêm động cơ thôi thúc Đức Thủy tổ đưa gia đình vào Quảng Nam sinh cơ lập nghiệp bước đầu ở Mông Lãnh (Quế Xuân, Quế Sơn), sau đến đời cháu nội của Ngài đã dời về Phú Triêm (Điện Phương, Điện Bàn), gần dinh trấn Thanh Chiêm là nơi các chúa Nguyễn trị vì xứ Đàng Trong…
 
     Thêm một luận cứ đáng tin cậy nữa là đến đời thứ 5 – Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Chiêu đã được Vua Gia Long bổ làm việc thơ lại tại cung Trường Thọ, đến năm Minh Mạng thứ nhất được cử làm việc ở dinh Quảng Nam, trông coi về nhân sự. Không thể phủ nhận tài học cao, hiểu rộng của Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Chiêu. Nhờ vậy, Ngài mới được bổ làm quan thời Gia Long, Minh Mạng. Tuy nhiên, có thể yếu tố bà con thân tộc với các chúa Nguyễn cũng tác động phần nào cho sự nghiệp tiến thân của Ngài trên đường quan lộ.

      Vì rõ ràng vua Gia Long có tin dùng Ngài mới bổ làm thơ lại ở cung Trường Thọ (còn gọi là cung Diên Thọ được xây dựng năm 1803), là nơi sinh hoạt của Hoàng Thái hậu triều Nguyễn (Bà Nguyễn Thị Hoàn, người làng Minh Linh, tỉnh Thừa Thiên là con gái của Diễn Phúc Công Nguyễn Phúc Trung. Khi quân Trịnh tiến đánh Phú Xuân (1779), rồi quân Tây Sơn tấn công Sài Côn (Sài Gòn), bà theo Nguyễn Phúc Ánh vào Gia Định, sau đó chạy ra Phú Quốc, sang Xiêm La. Lúc Nguyễn Phúc Ánh thống nhất sơn hà đã rước bà về kinh thành Phú Xuân, tôn bà làm Quốc mẫu Vương thái phi, rồi tôn làm Vương Thái hậu và cho xây cung Trường Thọ để bà ở vào năm 1803. Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi hoàng đế, tức Gia Long Hoàng đế, vào năm 1806, đã tôn bà làm Hoàng thái hậu. Bà mất năm 1811, thọ 70 tuổi, Gia Long tôn bà tên thụy là Ý Tĩnh Huệ Cung An Trinh Từ Hiếu Khang Hoàng Hậu) 
C / Kết luận

    Những cách tính của các nhà khoa học đã áp dụng trên thực tế tuy không tuyệt đối chính xác, nhưng cũng cho phép phỏng đoán được tuổi tác và năm vào Nam sinh cơ lập nghiệp của Đức Thủy Tổ Nguyễn Văn Phú.
    Cũng từ cách tính đó của các nhà khoa học, chúng tôi xác định rằng, Đức Thủy Tổ của dòng tộc Nguyễn Văn – Phú Triêm chúng ta  ra đời vào những năm đầu thời vua Lê Hy Tông (1675 – 1705), tại xã Nguyệt Viên, tổng Từ Quang, huyện Hoằng Hóa, trấn Thanh Ba (trấn Thanh Hoa, tức Thanh Hóa ngày nay). Đây là thời kỳ được đánh giá thịnh trị nhất giai đoạn Lê Trung Hưng. Bởi vì, lúc này, cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn đã chấm dứt, công việc chính sự triều đình do Chúa Trịnh Tạc, sau đó là Trịnh Căn đảm nhận, tập trung xây dựng Bắc Hà, làm cho tình hình Đàng Ngoài khá ổn định, đời sống nhân dân được an cư lạc nghiệp. 
    Tuy chưa có điều kiện khảo cứu về thân phụ, thân mẫu của Ngài và các đời Tổ của Ngài trước đó. Nhưng, xét về thân thế cũng chứng minh được, Ngài là con của một gia đình danh gia vọng tộc, thân phụ phải là người học rộng, cao minh về y thuật nên Ngài đã nối dõi nghiệp cha học nghề làm thuốc cứu người. Sinh ra và lớn lên trong thời thái bình, thịnh trị, vì thế Ngài đã có thêm điều kiện để học hành, chuyên tâm về y dược và cuối cùng trở thành một thầy thuốc danh tiếng, một đại quan của Nhà Hậu Lê - Vua Lê Dụ Tông (1705 – 1729).
    Nhưng, về sau chúa Trịnh Giang lộng hành, bức hiếp các vua Lê, nên cùng với bao trung thần khác trong triều lúc bấy giờ, Ngài đã rời chốn quan trường về lại quê nhà, rồi sau đó đưa vợ, con vào Mông Lãnh, Quảng Nam, khai ấp lập làng sinh sống. Thời vua Lê Dụ Tông, Ngài lãnh chỉ theo sứ giả vào Đàng Trong bang giao; hoặc lúc Lê Duy Mật, Lê Duy Diêu và Lê Duy Chúc làm binh biến diệt họ Trịnh ở kinh thành không thành, trốn về Thanh Hóa, Ngài đã có mặt trong đoàn sứ giả vào thương lượng với Chúa Nguyễn để xin mở cửa biên giới để hợp lực đánh Trịnh. Bên cạnh, các chúa Nguyễn trị vì xứ Đàng Trong cũng là bà con thân tộc cùa dòng họ Nguyễn ở Gia Miêu, Tống Sơn, Thanh Hóa, nên cũng đã tác động phần nào đối với Ngài khi quyết định đưa gia đình di cư vào Nam. Có thể vì lẽ đó, định cư ở xã Mông Lãnh (Quế Xuân, Quế Sơn) được hơn ba mươi năm, vợ chồng Ngài cùng các con là Đệ Nhị Thế Tổ khảo Nguyễn Văn Công và Đệ Nhị Thế Tổ khảo Nguyễn Văn Đức qua đời, các cháu nội thuộc hàng Đệ Tam Thế Tổ khảo (gồm: Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Biên, Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Định, Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Để và Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Hết) đã bàn bạc và thống nhất dời nhà, đưa gia đình về sinh sống ở Phú Triêm cho gần dinh trấn Thanh Chiêm, là nơi các chúa Nguyễn đã chọn làm thủ phủ trị vì xứ  Đàng Trong…
 


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates | Macys Printable Coupons