Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

Lời mở đầu

        
        Mộc hữu bổn, thủy hữu nguyên !
        Thành kính đốt nén tâm hương tưởng nhớ công đức cao  
        dày của các bậc tiền nhân đã hình thành và phát triển    
        dòng tộc Nguyễn Văn không ngừng lớn mạnh như cây cổ
        thụ bám sâu rễ vào lòng đất Phú Triêm màu mỡ phù        
        sa dòng Thu Bồn xứ Đàng Trong năm xưa,
                                 tỏa cành sum suê xanh tốt  nghìn đời !



                               *  Tiết Mạnh Xuân, năm Tân Mão - 2011

                                  Huyền Tôn
                                   Đệ Thập Nhất Thế
                                   Kính bái


***


Cây có gốc mới nẩy cành xanh lá.
Nước có nguồn mới bể cả sông sâu.
Người ta nguồn gốc từ đâu.
Gốc từ Tiên Tổ rồi sau có mình.

       Phàm con người ta sinh ra ở đời đều có cha mẹ. Thân thể của cha mẹ cũng không phải tự nhiên mà có. Cha mẹ được ông bà tác tạo nên, còn ông bà là thế hệ tiếp nối của từ nhiều đời trước và cao xa hơn cả là Đức Thủy tổ đã khai sinh ra dòng họ . 

      Ý thức về nguồn cội tự nó đã có sẵn trong máu thịt của mỗi người ngay từ lúc mới lọt lòng mẹ, cất tiếng khóc chào đời. Cho nên, tự thuở thiếu thời ai cũng chăm lo học hành mong ước về sau được thành đạt trên con đường công danh, hoặc ít ra cũng trang bị cho mình tri thức cần thiết để lớn lên lập nên nghiệp lớn, trước là báo hiếu cha mẹ, sau làm rạng rỡ tông môn, đem lại vinh hiển cho dòng tộc, nêu gương sáng cho các đời con cháu nối tiếp... 

      Trộm nghĩ, sống ở đời, hẳn chỉ có những kẻ bất hiếu, bất nghĩa mới sống trái với đạo lý truyền thống; khư khư vun vén hạnh phúc cho riêng bản thân mình, cả đời chỉ biết ăn ngon, mặc đẹp mà quên đi trách nhiệm, bổn phận làm con, cháu là phải đền đáp công ơn dưỡng dục, sinh thành của cha mẹ, báo hiếu ông bà, tổ tiên; quên đi  nguồn cội. Thật đáng thương và đáng trách thay !…


*
*      *


      Con người có Tổ, có Tông. Như cây có cội, như sông có nguồn. Khắc ghi lời dạy người xưa, từ bao đời nay, dù có đi đâu, về đâu; hoặc sống trong hay ngoài nước; dù có may mắn hưởng phước giàu sang, quyền cao, chức trọng; hay sống trong cảnh cơ hàn, bươn chải một nắng, hai sương; nhưng trong mỗi trái tim người con dòng họ Nguyễn Văn – Phú Triêm của chúng ta vẫn luôn hướng về nguồn cội, ghi nhớ công đức cao dày của các bậc tiền nhân và bao thế hệ đã vun trồng, bồi đắp, phát triển dòng tộc to lớn như cây cổ thụ sum suê cành lá và vẫn mãi mãi đâm chồi, nảy lộc, tỏa bóng xanh mát ngàn sau. 

Đó cũng là động lực thôi thúc chúng ta biên soạn, hoàn chỉnh lại quyển Gia phả này…  

     Trải qua bao biến cố thăng trầm của 4000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước, hầu hết các dòng tộc ở nước ta đều lập Gia phả với mục đích truyền lại cho con cháu muôn đời sau biết được lai lịch, xuất xứ của mình. Nhưng, thực tiễn cho thấy, không phải dòng tộc nào cũng ghi chép đầy đủ nguồn cội, thân thế và sự nghiệp của các bậc tiền nhân đã góp công khai nền lập quốc, mở mang bờ cõi sơn hà xã tắc. Đây là điều đáng tiếc, cũng là niềm khắc khoải khôn nguôi cho thế hệ con cháu khi tìm hiểu về tiên tổ, tri ân tiền nhân đã có công lao xây dựng cơ đồ bền vững để đời sau kế tục, giữ vững nếp nhà… 

     May mắn thay ! Cho dù đi qua bao cuộc chiến tranh ly loạn, nhưng Tộc Nguyễn Văn của chúng ta vẫn còn lưu giữ được quyển Phổ hệ, trong đó có bản văn (phả ký) ghi chép tỉ mỉ về thân thế và sự nghiệp của Đức Thủy tổ Nguyễn Văn Phú và cuộc hành trình của Ngài từ quê hương Nguyệt Viên, Hoằng Hóa, Thanh Hóa vào xứ Quảng, góp công khai ấp, lập làng, phát triển dòng tộc ở các vùng đất Mông Lãnh và Phú Triêm; bản văn thuật lại thân thế và sự nghiệp của Đức Tổ khảo chi 3 Nguyễn Văn Chiêu, do Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ, tự Quản Thúc, hiệu Thứ Trai, dòng dõi con quan, người làng Cẩm Hải (nay là phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, Quảng Nam) thi đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Dần, năm Thiệu Trị thứ hai (1842), chép và soạn lại. Đây là những tư liệu vô cùng quí giá để chúng ta kế thừa, sưu tầm biên soạn lại quyển Gia phả dòng tộc của mình được đầy đủ hơn…

     Bên cạnh đó, chúng ta cũng ghi nhớ công lao cất giữ và lưu truyền Phổ hệ Tộc Nguyễn Văn từ các đời trước. Đặc biệt, đời thứ 8 có Đệ Bát Thế tổ khảo Nguyễn Văn Nguyên, còn gọi là thầy Hương Quyến, đã ghi chép, bổ sung, sao lục thành nhiều bản giao cho nhiều gia đình cất giữ. 

     Tiếp theo là con trai thứ của thầy Hương Quyến là ông Nguyễn Văn Dinh, gọi theo tên con là ông Đề (Đời thứ 9) cũng đóng góp nhiều trong việc bổ sung, chỉnh sửa và sao lục Phổ hệ, dịch sang chữ Quốc Ngữ.  Từ các quyển Phổ hệ viết bằng chữ Hán, chữ Quốc Ngữ được ông Đề và bà con trong tộc còn lưu giữ, vào năm Ất Sửu – 1985, với sự giúp đỡ của các bô lão, anh Nguyễn Ngọc Anh (Đời thứ 11), đã khảo cứu, biên soạn, chỉnh sửa và bổ sung chi tiết hơn về những liên quan đến phát tích tộc Nguyễn Văn – Phú Triêm, cũng như dịch Quốc Ngữ bản cổ văn viết về nguồn gốc, xuất xứ và quá trình lập nghiệp của Đức Thủy tổ…



*
*     *

      Lần này, được sự thống nhất của Hội đồng gia tộc cùng toàn thể bà con nội ngoại trong dòng tộc, chúng tôi là Huyền tôn Đời thứ 11 (gồm: Nguyễn Văn Trầm, Nguyễn Văn Long – Cháu gọi Đệ Bát Thế tổ khảo Nguyễn Văn Nguyên là Tằng Tổ khảo) biên soạn, chép lại Gia phả (Tộc phả) cũng không ngoài mục đích chỉnh sửa, bổ sung những điểm chưa hợp lý, cập nhật thêm các đời về sau, ghi chép về quê hương phát tích Đức Thủy tổ, cũng như những đổi thay trên miền đất Mông Lãnh, Phú Triêm – quê hương thứ hai Đức Thủy tổ dừng chân trên đường di cư từ Thanh Hóa vào Nam, cùng các thế hệ tiếp nối đã góp công khai ấp, lập làng, phát triển nên Tộc Nguyễn Văn – Phú Triêm thịnh đạt to lớn như ngày hôm nay.
  
      Đây cũng là tấm lòng tri ân, báo hiếu công đức cao dày của tiền nhân, mong muốn con cháu đời sau biết rõ mối quan hệ huyết thống của dòng họ mà nhắc nhở nhau gìn giữ truyền thống nền nếp gia phong, tiếp tục phát dương quang đại dòng tộc để làm rạng rỡ tổ tông…
 
      Tuy nhiên, sự hiểu biết của con người là hữu hạn. Quyển Tộc phả mới này có thể chưa được đầy đủ như mong ước. Hy vọng rằng, những gì mà chúng tôi đã dày công khảo cứu, chỉnh sửa, có sự góp ý nhiệt tình của Hội đồng Gia tộc và con, cháu nội ngoại Tộc Nguyễn Văn – Phú Triêm, sẽ tạo nên nền tảng để con cháu đời sau có cơ sở tìm hiểu thêm, điểm xuyết những khiếm khuyết cho quyển Tộc phả hoàn chỉnh qui mô hơn.


*
*      *


      Chân thành ghi nhận tình đoàn kết, chung sức, chung lòng của con, cháu nội, ngoại trong tộc đã đem hết khả năng và tâm huyết để cùng chúng tôi hoàn thành quyển Tộc phả này, góp phần giữ gìn, bảo tồn truyền thống của dòng tộc…        

                                            Mùa Xuân năm Tân Mão (2011)
                                         
                                         Huyền Tôn Đệ Thập Nhất Thế
                                       Cử nhân Văn khoa – Nhà báo NGUYỄN VĂN LONG
                                            Bút danh: LONG VÂN
                                            Kính bút


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates | Macys Printable Coupons