Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

Tiền hiền và Hậu hiền

    Căn cứ vào lịch kê của bản cổ văn viết về nguồn gốc, xuất xứ và quá trình lập nghiệp của Đức Thủy tổ Nguyễn Văn Phú thì từ khi Ngài vào Nam tính đến năm Gia Long thứ 2 (1803), được 70 năm. Như vậy, tính ngược lại cho thấy, Ngài đã cùng vợ, con rời làng Nguyệt Viên, tổng Từ Quang, huyện Hoằng Hóa, trấn Thanh Ba (tức Thanh Hoa, cũng là tỉnh Thanh Hóa ngày nay) vào năm Long Đức thứ 2 (1733), đời vua Lê Thuần Tông.
     Lúc này xứ Đàng Trong do chúa Nguyễn thứ 7 là Ninh vương Nguyễn Phúc Chú (tức Chúa Ninh) đang ở ngôi. Năm 1738, Chúa Ninh mất, thọ 42 tuổi, con trai cả là Nguyễn Phúc Khoát nối ngôi (tức Chúa Võ). Võ vương Nguyễn Phúc Khoát được truyền tụng là vị chúa Nguyễn thứ 8 văn võ song toàn, có nhiều cải cách hành chính, quan tâm chiêu hiền, đãi sĩ, nên đời này thiên hạ thái bình, nhân dân an cư lạc nghiệp. Đặc biệt, Chúa Võ đã hoàn thành công cuộc Nam tiến, lấy cả vùng đất Nam Bộ rộng lớn. Năm 1765, Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát qua đời, thọ 51 tuổi, con trai thứ 16 là Nguyễn Phúc Thuần lên ngôi (Chúa Định). Vị chúa Nguyễn thứ 9 - Định vương Nguyễn Phúc Thuần ở ngôi đến năm 1777 thì bị quân Tây Sơn bắt và giết chết trong trận đánh tại Long Xuyên (tức Cà Mau ngày nay)… 
    Đặt chân lên miền đất mới Mông Lãnh, Quảng Nam, vào thời chúa Nguyễn Phúc Chú, vợ chồng Đức Thủy Tổ Nguyễn Văn Phú cùng các con (Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Công và Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Đức) đã cùng các dòng họ từ miền Bắc và quê hương Thanh Hóa di cư vào đây, ra sức khai khẩn đất hoang, lập nên ấp, nên làng.
     Hơn ba mươi năm sau, vợ chồng Đức Thủy tổ và hai con trai đều qua đời, các cháu nội của Ngài (gồm: Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Biên, Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Định, Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Để và Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Hết), đã bàn bạc cùng nhau đi tìm miền đất khác trù phú hơn. Lúc này, xứ Đàng Trong do Định vương Nguyễn Phúc Thuần (Chúa Định) trị vì. Xứ Đàng Ngoài, vua Lê Hiển Tông (niên hiệu Cảnh Hưng) ở ngôi, tuy nhiên quyền hành vẫn ở trong tay chúa Trịnh Doanh…
    Cuối cùng, các vị Tổ đời thứ 3 đã thống nhất dời nhà, đưa gia đình về sinh sống tại làng Phú Triêm, vùng đất màu mỡ phù sa nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, gần dinh trấn Thanh Chiêm (Lúc ấy giờ dinh trấn Thanh Chiêm đóng tại xã Cần Húc, tức là xã Văn Đông, huyện Diên Phước – Dẫn theo sách Đại Nam nhất thống chí thời vua Tự Đức. Năm Tự Đức thứ 20 – 1867, Cần Húc, Văn Đông  
           thuộc tổng An Nhơn Trung, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn).

*
      Bản cổ văn viết về nguồn gốc, xuất xứ và quá trình lập nghiệp của Đức Thủy tổ Nguyễn Văn Phú cùng các vị Tổ đời kế tiếp, có đoạn kể việc khai ấp, lập làng Phú Triêm sau khi dời nhà từ xã Mông Lãnh về đây, như sau: “Dư nãi củ, đồng chư huynh đệ, tử tôn cập đệ tề để giai dữ Phú Triêm tiền hiền Dương, Lê công, Nguyễn, Đinh, Trương, Đỗ, Đặng chư tướng công, chí tử tôn thi công khai bồi tùy nghi khẩn trị điền đề cung canh thực lực. Chí Cảnh Hưng niên giang, đồng thời kê khai đơn thân vọng khẩn, khống Trường Giang nhi lập giới, thùy mặc bộ dĩ mính danh, đãi vu hậu nhơn kỳ công đức điệt vi mậu hỉ”

    Tạm dịch: “Sau khi đến vùng đất mới, anh em con cháu trong tộc ta thi công, hiệp sức cùng với các dòng tộc Dương, Lê, Nguyễn, Đinh, Trương, Đỗ, Đặng, khai khẩn vùng đất hoang thành ruộng nương canh tác. Cho đến đời Cảnh Hưng thì làm sổ bộ, đồng thời xin chế ngự sông Thu Bồn (Trường Giang) lập nên địa phận, dựng bia đá tạo ranh giới của xã, lưu truyền công đức tốt đẹp cho hậu thế”.

    Như vậy, từ xã Mông Lãnh (Quế Xuân, Quế Sơn), di cư về Phú Triêm (Điện Phương, Điện Bàn), thời bấy giờ các Tổ đời thứ 3 đã có vợ, con và cũng đã dẫn vợ, con theo về miền đất mới cùng nhau sinh cơ lập nghiệp. Và, những vị Tổ đời thứ 4 của tộc Nguyễn Văn chúng ta, gồm: Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Tiết, Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Quỳnh (con trai của Đệ Tam Thế Tổ khảo Nguyễn Văn Biên); Đức tổ khảo Nguyễn Văn Đàm (con trai Đệ Tam Thế Tổ khảo Nguyễn Văn Định); Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Thành, còn gọi là Hành, Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Bình, Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Thoại, còn gọi là Đoan (con trai của Đệ Tam Thế Tổ khảo Nguyễn Văn Để); Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Hậu, Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Nhu, Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Hòa (con trai của Đệ Tam Thế Tổ khảo Nguyễn Văn Hết), đều sánh vai với tiền hiền các dòng họ: Dương, Lê, Đinh, Trương, Đỗ, Đặng… góp công, góp sức lập nên làng Phú Triêm trù phú cho đến ngày nay. Điều đó khẳng định, các vị Tổ đời thứ 3, đời thứ 4 của dòng họ Nguyễn Văn – Phú Triêm chúng ta đều là bậc tiền bối, tiền hiền làng Phú Triêm.
    Tiếp đến là các vị Tổ đời thứ 5, đặc biệt là Đệ Ngũ Thế Tổ khảo Nguyễn Văn Chiêu (người con thứ 5 của Đệ Tứ Thế Tổ khảo Nguyễn Văn Hòa), thông minh, lanh lẹ, học cao hiểu rộng nên thời vua Gia Long đã được bổ làm việc thơ lại tại cung Trường Thọ là nơi sinh hoạt của Hoàng Thái hậu triều Nguyễn, sau đó đến năm Minh Mạng thứ nhất – 1820, thì được cử đến dinh Quảng Nam làm việc, trông coi về nhân sự. Từ đây trở đi, Đệ Ngũ Thế Tổ khảo Nguyễn Văn Chiêu đã đóng góp nhiều công sức, tiền của trùng tu đình làng Phú Triêm, khuyến dụ nhân dân trong vùng điều chỉnh, phân chia lại đất đai cho hợp lý; đem y thuật giúp đỡ mọi người… nên được dân chúng trong làng lập bia đá ghi công đức và tôn làm hậu hiền của làng.

*
*     *




   Công lao của Đức Thủy tổ Nguyễn Văn Phú và các vị Tổ đời thứ 2 đã góp sức khai khẩn đất hoang để cùng các dòng họ di cư từ miền Bắc và quê hương Thanh Hóa vào Quảng Nam, hình thành nên làng Mông Lãnh (Quế Xuân, Quế Sơn); rồi đến những vị Tổ đời thứ 3, đời thứ 4 và đời thứ 5 cùng các dòng tộc Dương, Lê, Đinh, Nguyễn, Trương, Đỗ, Đặng… chung sức, chung lòng  chế ngự sông Thu Bồn; khai hoang, vỡ hóa để lập làng Phú Triêm, xây dựng làng xóm ngày càng phát triển phồn thịnh, được dân làng ghi công đức là tiền hiền và hậu hiền của làng, bốn mùa cúng tế, tưởng nhớ công đức.

     Đây là niềm vinh hạnh, tự hào của các thế hệ con, cháu dòng họ Nguyễn Văn – Phú Triêm chúng ta !

      Nhờ công đức tô bồi ấy mà hơn 300 năm qua, kể từ đời Đức Thủy tổ Nguyễn Văn Phú cho đến nay, tộc Nguyễn Văn – Phú Triêm đã trải qua 13, 14 đời, phát triển cháu, con đông đúc; nhiều người học hành thành đạt, giỏi giang, tận sức giúp đời, giúp nước, như cây đại thụ cắm sâu rễ trên mảnh đất phù sa màu mỡ của làng Phú Triêm bên dòng sông Thu Bồn mà tỏa cành lá sum suê, xanh tốt trong quá khứ, hiện tại và tương lai muôn đời sau…





0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates | Macys Printable Coupons