Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

Phần mộ Tổ Tiên

     Theo bản cổ văn được các vị Tổ đời thứ 3 viết trong quyển Phổ hệ đầu tiên của tộc Nguyễn Văn – Phú Triêm chúng ta hiện còn được lưu giữ, thì vào thời Cảnh Hưng, tức vua Lê Hiển Tông (1740-1786), phần mộ của Đức Thủy tổ (Đệ Nhất Thế tổ khảo Nguyễn Văn Phú), cùng các vị Tổ đời thứ 2 (Đệ Nhị Thế tổ khảo Nguyễn Văn Công và Đệ Nhị Thế tổ khảo Nguyễn Văn Đức) và một số vị Tổ thuộc đời thứ 3, được chôn cất ở xã Mông Lãnh (Nay là xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam).
    Kể từ sau khi các vị Tổ đời thứ 3 tìm được miền đất phù sa màu mỡ ở vùng hạ du sông Thu Bồn – vùng đất nằm đoạn giữa dinh trấn Thanh Chiêm và cảng thị Hội An, cùng tiền hiền các dòng tộc: Dương, Lê, Nguyễn, Đinh, Trương, Đỗ, Đặng khai hoang, vỡ hóa lập nên làng, nên xóm đặt tên xã Phú Triêm, các phần mộ tổ tiên vẫn ở xã Mông Lãnh. Thường niên vào các dịp giỗ, chạp con, cháu của các đời thứ 3, đời thứ 4, đời thứ 5 vẫn cùng nhau về đây sửa soạn mộ phần tổ tiên, dâng hương tưởng niệm…
   Cho đến năm Minh Mạng thứ 2 (1821), các phần mộ tổ tiên chôn cất tại Mông Lãnh được dời về cải táng ở Phú Triêm (Nay là xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Tổng cộng có 16 phần mộ. Căn cứ vào bản cổ văn thuật sự về thân thế và sự nghiệp của Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Chiêu (Đời thứ 5), cho thấy: Năm Minh Mạng thứ 2, Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Chiêu đã bước vào tuổi 45. Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Chiêu là con trai thứ của Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Hòa (Đời thứ 4). Điều đó cũng đủ để cho chúng ta xác định, việc di dời các phần mộ tổ tiên từ Mông Lãnh về cải táng tại Phú Triêm là có sự thống nhất và quyết định giữa các vị Tổ tộc Nguyễn Văn chúng ta của các đời thứ 4 và đời thứ 5.      

   Lịch sử thăng trầm, cùng với phần mộ tổ tiên được dời về từ Mông Lãnh, các đời kế tiếp của tộc Nguyễn Văn về sau này, khi có người tạ thế đều được an táng, mồ yên, mả đẹp trên miền đất Phú Triêm là quê hương chôn nhau cắt rốn. Tuy nhiên, đến năm 1977, lúc bấy giờ những người có trách nhiệm của chính quyền xã Điện Phương (Điện Bàn, Quảng Nam), đã thực hiện mệnh lệnh cấp trên, buộc các dòng tộc có mồ mả chôn cất tại các nghĩa địa ở địa phương, phải di dời ra vùng cát xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, để lấy đất cải tạo thành đất sản xuất. Do đó, phần mộ của tổ tiên và kể cả những người trong tộc Nguyễn Văn – Phú Triêm sau này đã mất được chôn cất
tại các nghĩa trang ở xã Điền Phương, đều được di dời ra cải táng tại Nghĩa trang xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, Quảng Nam.
    Cũng bắt đầu từ năm 1977, những đời kế tiếp của tộc Nguyễn Văn – Phú Triêm, sinh sống ở xã Điện Phương (Điện Bàn, Quảng Nam); hoặc các vùng lân cận; hoặc ở TP Đà Nẵng, phần đông gia đình khi có người mất cũng đưa về chôn cất trong các khu mộ đã định sẵn của các phái, chi, nhánh và gia đình ở Nghĩa trang xã Điện Nam, Điện Bàn, Quảng Nam.
     
·        Ghi chú:

   *  Về phần mộ của Đức Thủy tổ Nguyễn Văn Phú, năm 1977, các huyền tôn đời thứ 9, đời thứ 10 và đời thứ 11 đã dời mộ Ngài từ Phú Triêm ra chôn cất tại Nghĩa trang xã Điện Nam, đến năm 1980 dựng nhà bia và tới năm 2008, trùng tu xây mộ dựng lại bia đá, văn bia dịch ra chứ Quốc Ngữ cho con cháu trong dòng tộc đều biết để hương khói, giữ gìn…

   * Quyển Phổ hệ ông Nguyễn Văn Dinh (Ông Đề - Đời thứ 9) còn lưu giữ ghi rõ 16 phần mộ dời từ Mông Lãnh về Phú Triêm gồm: Phần mộ của vợ - chồng Đức Thủy tổ Nguyễn Văn Phú, vợ - chồng Đệ Nhị Thế tổ khảo Nguyễn Văn Công, vợ - chồng Đệ Nhị Thế tổ khảo Nguyễn Văn Đức và hàng Đệ Tam Thế tổ khảo gồm: Bà Hai, Bà Chín, Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Định, Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Bè, Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Thông cùng 5 vị Vô Danh. Tuy nhiên phần Phả hệ không thấy ghi Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Bè, Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Thông sinh hạ. 

 
 
* Bản văn bia cổ ghi chép về phần mộ tổ tiên


     + Phần phiên âm từ chữ Hán:

   Cảnh Hưng niên giang mộ táng tại Mông Lãnh xã, chí Minh Mạng nhị niên chiêm kiết di địa cải hồi quy táng, bổn xã, quy bắc. Nguyên mộ cọng thập lục vị. Địa cuộc lập tọa khôn, hướng cấn, kim tuyến tọa thân, hướng dần, tam phân. Hiệp biên mộ thứ tử tôn lưu chiếu


     + Tạm dịch:  

  Dưới thời vua Cảnh Hưng, nhà Hậu Lê (1740 – 1786), các phần mộ của tổ tiên đều chôn cất tại xã Mông Lãnh. Đến đời vua Minh Mạng năm thứ hai (1821), tìm được đất lành dời về cải táng tại xã nhà (Phú Triêm), vùng Châu băng, xứ Quy bắc. Tổng cộng có 16 phần mộ. Thế đất lập tại Khôn, hướng Cấn, đường kim tuyến theo hướng Dần, cách 3 phân. Đồng dựng bia chung lưu dấu lại con cháu mai sau được rõ  

   (Ghi chú: Phần tạm dịch chép theo bản Phổ hệ do Huyền tôn Nguyễn Ngọc Anh – Đời thứ 11, soạn lại


 


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates | Macys Printable Coupons