Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

Phần I

 Từ phổ hệ chữ Hán đến phổ hệ chữ Quốc ngữ
   

A / Quyển Phổ hệ đầu tiên của tộc Nguyễn Văn – Phú Triêm được lập trước khi Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ ra đời

     Phổ hệ chữ Hán được nhiều gia đình trong tộc Nguyễn Văn – Phú Triêm của chúng ta còn cất giữ, như gia đình: ông Dinh, ông Tồn, ông Truyện… ở phần phả ký có bản văn ghi chép lai lịch, thân thế, sự nghiệp Đức Thủy tổ Nguyễn Văn Phú và các đời Tổ kế tiếp mở cõi phương Nam, sinh cơ lập nghiệp trên Mông Lãnh và Phú Triêm, Quảng Nam, đều ghi: “Vu thị như nãi, cung tựu tôn tước đài Cẩm Hải, tiền cầu văn lược tự, gia phổ căn nguyên, dĩ thùy hậu lai, thứ kỹ hữu sở truyền lưu minh tự. Gia Long nhị niên, ngũ ngoạt sơ ngũ nhật. Cẩm Hải ấm tử, Thứ Trai, Nguyễn Quảng Thúc, thủ soạn. Tứ Thế tôn Nguyễn Văn Chiêu bái soạn”. Anh Nguyễn Ngọc Anh (cháu đời thứ 11) dịch sang chữ Quốc ngữ: “Để lưu lại cho con cháu ngày sau được rõ, ta đến nhờ vị bằng hữu đáng kính là Nguyễn Tiên sinh, người làng Cẩm Hải, dùng lời văn ghi chép đại lược nguồn gốc của gia phả cho rõ căn nguyên. Gia Long năm thứ hai, ngày 5 tháng Năm (tức 23/6/1803 dương lịch). Tác giả là Nguyễn Quản Thúc, hiệu Thứ Trai, dòng dõi con quan ở xã Cẩm Hải. Cháu 4 đời là Nguyễn Văn Chiêu kính bái”.  

      Nguyễn Quản Thúc chính là Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ, người làng Cẩm Hải, xã Cẩm Phô, tổng Phú Triêm hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, Quảng Nam). Ngoài tự Quản Thúc, ông còn có tự Hi Nhân, hiệu Thứ Trai. Ông sinh năm 1807, là con trai của Binh bộ thượng thư, Phó Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Tường Vân và bà Nguyễn Thị Khoa Nhàn (vợ thứ của ông Vân); em cùng cha khác mẹ với Nguyễn Tường Vĩnh. Theo Gia phả họ Nguyễn Tường hiện đang lưu giữ ở Hội An, xác định: Nguyễn Tường Vân xuất thân từ dòng họ Nguyễn Văn (Nguyễn Văn Vân), thi đỗ nhị trường  được bổ chức lễ sinh, làm việc bên chúa Nguyễn Phúc Ánh (tức là Hoàng đế Gia Long). Năm 1797, ông Vân vì đã có nhiều công lao phò tá Nguyễn Phúc Ánh trong bước đường trôi nổi ở miền Nam, sang Vọng Các, Xiêm La (Thái Lan), chống lại quân Tây Sơn để khôi phục lại cơ nghiệp dòng tộc, nên được sắc ban ân tứ họ Nguyễn Tường thay vì Nguyễn Văn

    Khảo cứu nhiều tài liệu lịch sử cho thấy, Nguyễn Tường Phổ lúc thiếu niên thông minh, học rộng nên năm Tân Sửu - 1841, ông thi đỗ Cử nhân, bước sang năm Nhâm Dần – Thiệu Trị năm thứ 2 (1842), lúc này đã 35 tuổi, ông  thi đỗ Đệ Tam giáp, đồng Tiến sĩ xuất thân (dân gian gọi là ông Tiến sĩ), với 11 người cùng khoa (dẫn theo sách Quốc Triều khoa bản lục của đại thần triều Nguyễn Cao Xuân Dục). Sau đó, Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ được bổ Hàn lâm viện biên tu ở Nội các, rồi thăng tri phủ Hoằng An (Bến Tre), tri phủ Tân An (Gia Định). Một thời gian sau ông cáo bệnh xin về quê. Năm 1846 lại bổ làm Giáo thọ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, rồi chuyển về trông coi nhà in ở phủ Học Chánh sau đó thăng Quyền Đốc học tỉnh Hải Dương... Nguyễn Tường Phổ làm quan nổi tiếng liêm chính, công bằng, tính tình cao thượng, yêu người nghèo khổ nên bị nịnh thần trong triều dèm pha làm cho đường quan chức không thăng tiến... Nguyễn Tường Phổ không màng danh lợi chốn quan trường, thường lấy câu thơ, chén rượu làm vui và ông cũng tự bạch về mình: "Ta bình sinh không hay khoan thứ cho người, nên đặt hiệu là Thứ Trai mà tự là Quản Thúc. Đó là muốn châm biếm cái tính thiên lệch mà chưa được". Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ mất năm Bính Thìn - 1856, hưởng dương 49 tuổi. 

     Từ thân thế, sự nghiệp của Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ, chúng tôi khẳng định, phả ký đầu tiên của Tộc Nguyễn Văn – Phú Triêm chúng ta không phải do Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ biên soạn. Bởi lẽ, phả ký được viết năm Gia Long thứ hai – 1803, lúc đó Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ chưa sinh ra đời. 


*
*      *

    B / Đệ Ngũ Thế tổ khảo Nguyễn Văn Chiêu chép lại Phổ hệ do các vị Tổ đời thứ 3 đã biên soạn và phả ký có sự chỉnh sửa của Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ  

     Đọc kỹ lại bản phả ký đầu tiên, mới thấy bản văn thuật sự về Đức Thủy tổ Nguyễn Văn Phú, người viết (tác giả) đã gọi Ngài với danh xưng: “Hiển tổ khảo” – Hiển tổ (Hiển tổ khảo) vi xuất Thanh Ba trấn, Hoằng Hóa huyện, Từ Quang tổng, Nguyệt Viên xã chi tiềm tôn). Rồi có đoạn viết về việc di dời từ vùng đất Mông Lãnh về Phú Triêm: “Lữ thứ kỹ tam thập dư niên, vu thứ tư nhi dư chi. Hiển tổ, bá, thúc, phụ, huynh từ trần ư thị. Dư Tổ nãi, tương đắc nhàn điền, khuyếch địa du Diên Khánh huyện, tọa lạc Phú Triêm xã, chi bình nguyên thử thứ”.
 
     Điều đó, chứng tỏ  người viết là cháu nội của Đức Thủy tổ Nguyễn Văn Phú - Một trong những vị Tổ của đời thứ 3 (Đệ Tam Thế Tổ khảo gồm có các Tổ: Nguyễn Văn Biên, Nguyễn Văn Định, Nguyễn Văn Để, Nguyễn Văn Hết).
  
     Cho đến đời thứ 5, vào năm Gia Long thứ 2 (Gia Long nhị niên), tức năm Qúy Hợi – 1803, Đức Tổ khảo chi 3 Nguyễn Văn Chiêu đã biên soạn lại Phổ hệ, dựa trên cơ sở Phổ hệ mà các vị Tổ đời thứ 3 đã lập trước đó. 

      Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Chiêu là con thứ 5 của Đệ Tứ Thế tổ khảo Nguyễn Văn Hòa (Đức Tổ khảo Nhị tôn – Tam phái). Theo thứ bậc tính từ Đời thứ nhất – Đức Thủy tổ Nguyễn Văn Phú thì Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Chiêu còn gọi là Đệ Ngũ Thế tổ khảo Nguyễn Văn Chiêu (Đời thứ 5). Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Chiêu là cháu nội của Đệ Tam Thế tổ khảo Nguyễn Văn Hết (thuộc hàng nhị tôn); cháu gọi Đệ Nhị Thế Tổ khảo Nguyễn Văn Đức là Tằng Tổ phụ (ông Cố) và cháu gọi Đệ Nhất Thế Tổ khảo Nguyễn Văn Phú là Cao Tổ phụ (ông Tổ).      
  
    Về thân thế, sự nghiệp của Đệ Ngũ Thế Tổ khảo Nguyễn Văn Chiêu, bản văn do con cháu ngành thứ nhì (Nhị tôn – Tam phái) đến nhờ Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ biên soạn, nay còn lưu trong Phổ hệ, ghi rõ: Ngài sinh năm Đinh Dậu - 1777 (Đời Vua Lê Hiển Tông, Cảnh Hưng tam thập bát niên – tức là Cảnh Hưng năm thứ 38) và mất năm Tự Đức thứ 4, năm Tân Hợi - 1851 (Đời Vua Nguyễn Dực Tông, tức Hoàng Đế Tự Đức), thọ 75 tuổi.
 
     Dưới thời Vua Gia Long, Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Chiêu được bổ làm việc thơ lại ở cung Trường Thọ; cho đến năm Minh Mạng thứ nhất (Năm Canh Thìn - 1820), được cử về coi công việc nhân sự tại dinh Quảng Nam. Ngài đã góp nhiều công sức trong việc khai khẩn, canh tác đất đai, trùng tu đình sở địa phương; đồng thời làm nghề thầy thuốc cứu người, không màng lợi lộc, không quan tâm đến chuyện người được cứu giúp đền đáp công lao khó nhọc, nên được dân làng Phú Triêm lập bia ghi công đức và suy tôn là Hậu hiền của làng…

    Trong bản văn, Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ đã gọi Ngũ Thế Tổ khảo Nguyễn Văn Chiêu cung kính là “Tiên sinh”. Điều này cũng cho thấy, giữa Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ và Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Chiêu đã có mối quan hệ quen biết nhau và mối quan hệ này nằm trong khuôn khổ thứ bậc tuổi tác (Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Chiêu hơn Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ đến 30 tuổi). Cho nên, sẽ là sai lầm khi cho rằng giữa hai người là “bằng hữu”. Bên cạnh đó, chiếu theo năm sinh 1807 của Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ cho thấy, Phổ hệ Tộc Nguyễn Văn của chúng ta đã được viết trước khi Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ ra đời hơn 4 năm…

    Từ đây, có thể khẳng định: Quyển Phổ hệ Tộc Nguyễn Văn - Phú Triêm đầu tiên, trong đó có bài thuật về nguồn gốc, xuất xứ của Đức Thủy tổ Nguyễn Văn Phú và quá trình lập nghiệp 4 đời kế tiếp ở vùng đất Quảng Nam, được ghi vào ngày 5 tháng 5 năm Quý Hợi (1803), tức Gia Long nhị niên, ngũ ngoạt, sơ ngũ nhật, là do Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Chiêu biên soạn lại bản phả ký được lập từ các vị Tổ đời thứ 3. Rồi khi Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ bổ làm Giáo thọ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Chiêu do có mối quan hệ trong chốn quan trường, biết ông Phổ là người văn hay, chữ tốt, lại có tính tình cao thượng nên đến nhờ soạn lại. Vì vậy, trong phả ký ghi rõ là “nhờ chép lại”.
 
   Hoặc cũng có thể, sau khi Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Chiêu qua đời, năm 1852, con cháu ngành thứ nhì (Nhị tôn – Tam phái), do trước đó Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Chiêu đã có mối quan hệ với Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ, nên đến nhờ viết thuật sự về thân thế, sự nghiệp của Ngài, rồi luôn tiện nhờ chép lại bản phả ký đầu tiên của Phổ hệ đã có sẵn cho hoàn chỉnh hơn, với mong muốn lưu truyền cho các thế hệ nối tiếp về sau…
   

*
*      *

C / Các đời kế tiếp có công sao chép, cất giữ, lưu truyền Phổ hệ rộng rãi trong dòng tộc Nguyễn Văn – Phú Triêm
     
       Quyển Phổ hệ tộc chúng ta truyền đến đời thứ 8 thì được Đệ Bát Thế tổ khảo Nguyễn Văn Nguyên, còn gọi là thầy Hương Quyến (Gọi theo tên con – Con gái đầu của ông Nguyên là bà Nguyễn Thị Huyến. Có thể do cách phát âm của người xứ Quảng nên đọc chệch là Quyến), đã ghi chép, bổ sung, sao lục thành nhiều bản giao cho nhiều gia đình cất giữ.

       Đệ Bát Thế tổ khảo Nguyễn Văn Nguyên là con trai thứ 2 của Đệ Thất Thế Tổ khảo Nguyễn Văn Y - Đời thứ 7 (Đệ Thất Thế Tổ khảo Nguyễn Văn Y có 6 người con trai), là cháu nội của Đệ Lục Thế Tổ khảo Nguyễn Văn Bình – Đời thứ 6, còn có tên gọi khác là Nguyễn Văn Biền (Đệ Lục Thế Tổ khảo Nguyễn Văn Bình có 4 người con trai nối dõi tông đường, Ngài Nguyễn Văn Y là con thứ 2). Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Nguyên là Tằng tôn của Đức Tổ khảo chi 3 Nguyễn Văn Chiêu (Đệ Ngũ Thế Tổ khảo Nguyễn Văn Chiêu có 6 người con trai nối dõi, Ngài Nguyễn Văn Bình là con thứ 4).

     Sinh thời, Đệ Bát Thế tổ khảo Nguyễn Văn Nguyên thông minh, hiếu học, giỏi chữ Hán, biết cả nghề bốc thuốc chữa bệnh, am hiểu bói toán, thuật ngũ hành, phong thủy... Đời vua Bảo Đại, Ngài đứng trong bộ phận quan viên hàng xã (Phú Triêm), giữ trọng trách Hương trưởng (lo việc công ích của xã Phú Triêm). Bên cạnh đó, Ngài còn mở trường dạy học chữ Hán tại nhà nên được người cùng thời gọi là Thầy Hương Quyến. 

     Là người con hiếu thảo, tâm huyết với việc bảo tồn và phát huy truyền thống dòng tộc, gìn giữ nếp nhà cho con cháu đời sau nên Ngãi đã bỏ ra nhiều công sức chép và bổ sung quyển Phổ hệ, lưu truyền cho một số gia đình cất giữ. Đến đời con Ngài là ông Nguyễn Văn Dinh – Đời thứ 9, gọi theo tên con là ông Đề, cũng đã nối nghiệp cha, học cao, hiểu rộng, am tường chữ Hán, chứ Quốc Ngữ nên không chỉ cất giữ, tiếp tục bổ sung những điểm thiếu sót của Phổ hệ, mà còn sao chép thêm ra nhiều quyển giao cho một số gia đình thuộc chi trong tộc cất giữ, đề phòng chiến tranh loạn lạc; hoặc lũ lụt cuốn trôi nhà cửa cũng không thể làm thất lạc được. 

    Nhờ những cuốn Phổ hệ được bà con trong tộc cất giữ, anh Nguyễn Ngọc Anh – Đời thứ 11, mới có được tài liệu để sao lục, biên soạn lại Gia phả (Phổ hệ tân biên) bằng chữ Quốc ngữ vào năm 1985 (Nguyễn Ngọc Anh sinh năm 1937, con ông Nguyễn Ngọc Lang, gọi theo tên con là ông Ban).
  
*
*     *

    Trong Gia phả còn có ghi về một người có công sao lục bài “Thuật sự về cuộc đời của Đệ Ngũ Thế tổ khảo Nguyễn Văn Chiêu do Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ biên soạn. Đó là Ấm tử Nguyễn Bá Liệu, con cháu ngành thứ nhì (nhị tôn tam phái). Tuy nhiên, tra cứu Phổ hệ, chúng tôi không xác định được ông Nguyễn Bá Liệu thuộc hàng Nhị tôn - Tam phái là ai. Song, chắc chắn đây là bản văn do con, cháu hàng Nhị Tôn – Tam phái sao lục, vì cuối bản văn có dòng “Đồng kính bái”…  


*
*      *

D / Kết luận
  
      Quyển Phổ hệ Tộc Nguyễn Văn – Phú Triêm đầu tiên là do các vị Tổ đời thứ 3 biên soạn, sau đó được Đệ Ngũ Thế tổ khảo Nguyễn Văn Chiêu (Tổ đời thứ 5) biên soạn lại, rồi có sự giúp đỡ của Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ sao chép, soạn lại những văn bản thuật sự về nguồn gốc, xuất xứ của Đức Thủy tổ Nguyễn Văn Phú và quá trình lập nghiệp 4 đời kế tiếp ở vùng đất Quảng Nam; về thân thế, sự nghiệp của Đức Tổ khảo Nguyễn Văn Chiêu… 

      Quyển Phổ hệ lưu truyền lại cho các đời con cháu nối tiếp; trong đó những người có công lao biên soạn bằng chữ Hán ra thành nhiều quyển để giao cho nhiều gia đình cất giữ phòng tránh thất lạc Phổ hệ do chiến tranh ly tán, thiên tai lũ lụt, đó là Đệ Bát Thế tổ khảo Nguyễn Văn Nguyên (Thầy Hương Quyến) và con trai là ông Nguyễn Văn Dinh (ông Đề). Mãi đến sau ngày đất nước thống nhất, Bắc – Nam sum họp một nhà, năm 1985, anh Nguyễn Ngọc Anh, với tất cả tấm lòng của người con Tộc Nguyễn Văn – Phú Triêm, nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của các vị bô lão trong dòng tộc, đã cất công biên soạn và dịch Phổ hệ từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ, để phổ biến rộng rãi cho các gia đình…
     
     Đến nay, được sự thống nhất của Hội đồng Gia tộc cùng toàn thể con, cháu nội, ngoại Tộc Nguyễn Văn – Phú Triêm, chúng tôi là cháu Đời thứ 11, gồm: Huyền tôn Nguyễn Văn Trầm (Con trai ông Nguyễn Văn Lưỡng, nội tôn của ông Nguyễn Văn Ống, gọi Đệ Bát Thế tổ khảo Nguyễn Văn Hộ là ông Cố), Huyền tôn Nguyễn Văn Long (Hiệu là Long Vân, con trai ông Nguyễn Văn Thám, nội tôn của ông Nguyễn Văn Chinh, gọi Đệ Bát Thế tổ khảo Nguyễn Văn Nguyên – Thầy Hương Quyến, là ông Cố), cất công nghiên cứu soạn lại Gia phả với qui mô lớn hơn (Tộc phả), không ngoài mục đích làm rõ những nghi vấn mà Phổ hệ trước đây chưa có được câu trả lời thỏa đáng; khảo cứu biên soạn làm rõ thêm về cội nguồn gốc gác, xuất xứ dòng họ Nguyễn Văn và vùng đất quê hương của Đức Thủy tổ Nguyễn Văn Phú, cũng như cuộc hành trình mở cõi phương Nam đến quê hương thứ hai: Mông Lãnh (nay thuộc xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn), Phú Triêm (nay thuộc xã Điện Phương, Điện Bàn) là nơi Đức Thủy tổ Nguyễn Văn Phú và các vị Tổ trong tộc chúng ta góp công khai ấp, lập làng, sinh cơ, lập nghiệp phát triển nên dòng tộc Nguyễn Văn – Phú Triêm cho đến ngày nay. Đây cũng là lần thứ tư Tộc Nguyễn Văn chúng ta biên soạn lại Gia phả…


***



    


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates | Macys Printable Coupons