Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

Từ đường

Việc thờ tự tổ tiên là đạo lý truyền thống từ bao đời nay của các thế hệ dòng tộc Nguyễn Văn – Phú Triêm chúng ta. Theo tục thờ cúng của tổ tiên người Việt, thường mỗi gia đình thờ thần chủ bốn đời, gồm: Cao, Tằng, Tổ, Khảo (ông bà Tổ, ông bà Cố, ông bà Nội và cha mẹ). Các đời trên nữa thì quy về thờ cúng tại từ đường dòng tộc. Như vậy, việc xây dựng từ đường để thờ cúng, hương khói Đức Thủy tổ Nguyễn Văn Phú và các vị Tổ đời kế tiếp, bắt đầu từ đời thứ 6. Nhà thờ tự lúc đó, chắc chắn là ngôi nhà của các vị Tổ đời thứ 3, ngành Trưởng tử…
     Cho đến năm Bảo Đại nguyên niên, con, cháu trong tộc lúc này đã đồng tâm nhất trí xây dựng từ đường kiên cố, theo kiểu nhà rường 3 gian. Từ đường  được xây dựng tại làng Tân Phú, Phú Triêm; được thượng lương vào ngày 13 tháng 5 năm Bính Dần (1926). (Theo chữ viết ghi trên đòn đông từ đường xác định: Hoàng triều Bảo Đại nguyên niên tuế thứ Bính Dần ngũ ngoạt kiến Giáp Ngọ thập tam Nhâm Ngọ nhật Nhâm Dần bài Phú Triêm xã Trung Nam. Nguyễn tộc đẳng đồng dinh tạo thượng lương).

    Ngày 14 tháng 02 năm Qúy Dậu (nhằm ngày 04/03/1993), từ đường xây dựng tại làng Tân Phú đã bị xuống cấp, lại nằm trong vùng đất mà chính quyền xã Điện Phương quy hoạch đất sản xuất; do đó Đại hội Tộc Nguyễn Văn – Phú Triêm đã ra Nghị quyết, chuẩn bị di chuyển nhà thờ đến nơi mới để xây dựng đàng hoàng, to đẹp hơn. Hội đồng gia tộc Tộc Nguyễn Văn – Phú Triêm, dưới sự điều hành của Tộc Trưởng Nguyễn Văn Bờ (Đời thứ 9); rồi các năm kế tiếp 1994 – 1995, các thế hệ Đời thứ 9, Đời thứ 10, Đời thứ 11 (Ông Nguyễn Văn Chơn, Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Ông Nguyễn Ngọc Vân, Ông Nguyễn Ngọc Anh, Ông Nguyễn Văn Trầm…) đã bàn bạc, tích cực làm đơn xin chính quyền xã Điện Phương (Lúc này ông Lê Doãn Bê làm Chủ tịch xã) giải quyết cho di chuyển ngôi từ đường đã xuống cấp, hư hỏng đưa lên xây dựng lại ở khu vực Gò Sài, nằm cạnh con đường lộ (Đường nối QL1A từ Thanh Chiêm xuyên qua các thôn: Triêm Trung, Triêm Đông, xã Điện Phương, dẫn ra chợ Lai Nghi, xã Điện Nam, đi về Hội An, được xây dựng từ thời Pháp thuộc). Khu đất này là đất vườn của vợ chồng ông Nguyễn Búa (Đời thứ 10) và bà Ngô Thị Dục, ở thôn Triêm Đông, xã Điện Phương, được Xí nghiệp Gạch ngói Gò Sài cấp; chuyển nhượng lại cho Tộc  chúng ta 200m2, với số tiền 2 triệu đồng (2.000.000 đồng). 

   Việc xây dựng nhà thờ đang còn dở dang thì ông Bờ bị trọng bệnh qua đời,  Tộc trưởng kế tiếp là ông Nguyễn Văn Chơn (Đời thứ 9) cũng đã dốc nhiều tâm   
 sức, tài lực, đôn đốc con cháu tiếp tục xây dựng để hoàn thành từ đường gia tộc.
  
   Theo bút tích của ông Nguyễn Văn Chơn còn lưu lại: Đúng vào lúc 4h sáng ngày 21 tháng 02 năm Ất Hợi (nhằm ngày 21-03-1995), đã diễn ra Lễ khởi công xây dựng từ đường Tộc Nguyễn Văn – Phú Chiêm ở khu đất mới
tại Gò Sài. Lúc này có mặt đông đủ các thế hệ từ Đời thứ 9 đến Đời thứ 11, cụ thể: Ông Nguyễn Văn Chơn (Tộc trưởng), ông Nguyễn Ngọc Tuấn (Tộc phó), ông Nguyễn Hưng (Tộc phó), ông Nguyễn Văn Mẫn, ông Nguyễn Có, ông Nguyễn Đủ, ông Nguyễn Văn Ban, ông Nguyễn Ngọc Vân, ông Nguyễn Văn Tuấn, ông Nguyễn Duệ (Dệ), ông Nguyễn Quýt, ông Nguyễn Văn Trầm, ông Nguyễn Búa, ông Nguyễn Văn Thành. Đến ngày 30-3-1995 thì phần móng từ đường đã được xây dựng xong. Hội đồng gia tộc tiếp tục động viên con cháu đóng góp tiền của, công sức tập trung xây dựng từ đường. Cho tới 4h sáng 16 tháng 07 năm Ất Hợi (nhằm ngày 11-08-1995) chính thức gát đòn đông. Khi ngôi từ đường đã cơ bản hoàn thành, vào lúc 6h ngày 06 tháng 08 năm Ất Hợi (nhằm ngày 31-8-1995), Hội đồng gia tộc cùng con, cháu Tộc Nguyễn Văn – Phú Triêm đã tổ chức Lễ An vị rước Tổ Tiên về nhà thờ mới. Ngày mùng 09 tháng 02 năm Bính Tý (nhằm ngày 27-03-1996), Tộc của chúng ta chính thức làm lễ khánh thành từ đường mới, với sự có mặt đông đủ con, cháu, chắt nội, ngoại, dâu, rễ trong toàn Tộc khoảng 900 người và đại diện chính quyền địa phương…
     Kinh phí đóng góp để xây dựng ngôi từ đường mới tọa lạc ở Gò Sài, ngoài sự đóng góp của cháu trai (tối thiểu 150.000 đồng/người), Hội đồng gia tộc còn họp nhiều lần đưa ra những giải pháp, như: Cử người đi TP Hồ Chí Minh (Sài Gòn), Đà Nẵng vận động đóng góp của các gia đình có kinh tế khấm khá. Ông Nguyễn Ngọc Vân và ông Nguyễn Ngọc Anh đi Sài Gòn vận động được 10 triệu đồng (10.000.000 đồng), cọng với số tiền đóng góp của bà con thân tộc ở Đà Nẵng thì được cả thảy 15,570 triệu đồng (15.570.000 đồng). Kêu gọi con cháu có điều kiện cho mượn (Ông Nguyễn Văn Viện tự nguyện cho mượn 6 triệu đồng (6.000.000 đồng) không lấy lãi; đích thân ông Nguyễn Văn Chơn đem sổ nghiệp chủ nhà thế chấp ngân hàng vay 6 triệu đồng (6.000.000 đồng), nhưng về sau không vay được…). Tổng số tiền đóng góp, xây dựng từ đường gần 80 triệu đồng (80.000.000 đồng). So với thời giá năm 1994 - 1995 thì đây là số tiền rất lớn, cho thấy sự quyết tâm rất cao của Hội đồng gia tộc, cũng như tấm lòng con cháu nội ngoại, dâu, rễ của gia tộc đối với việc xây dựng từ đường làm nơi thờ cúng, hương khói hương linh các bậc tiền nhân đã có công lao gầy dựng nên dòng tộc Nguyễn Văn – Phú Triêm phát triển thịnh đạt, to lớn như ngày hôm nay…        
     Từ đó đến nay, hằng năm, ngôi từ đường tộc Nguyễn Văn – Phú Triêm tại Gò Sài là nơi hội tụ con cháu nội – ngoại, dâu – rể trong gia tộc đang sinh sống trong và ngoài nước, về đây thành kính lễ cúng, dâng hương tưởng niệm anh linh tổ tiên trong những dịp lễ, giỗ, chạp; thắt chặt tinh thần đoàn kết, cùng nhau đóng góp xây dựng làm vinh danh, rạng rỡ dòng tộc Nguyễn Văn – Phú Triêm đến muôn đời…     

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates | Macys Printable Coupons