Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

Nguồn gốc tộc Nguyễn Văn Phú Triêm

A / Họ Nguyễn có gốc tích từ đâu ?

     Một số nhà sử học đã nêu quan điểm cho rằng: Vào thời kỳ Bắc thuộc ở đời Mục Đế nhà Đông Tấn (năm 353) có thứ sử đất Giao Châu là Nguyễn Phu; rồi vào niên hiệu Thăng Bình đời Tấn (năm 357) có quan Biệt giá đất Giao Châu là Nguyễn Lãng. Trong "An Nam Chí Lược" của Lê Tắc có chép vào niên hiệu Nguyên Gia thời Nam Bắc Triều ở Trung Hoa, còn có Nguyễn Di Chi làm thứ sử đất Giao Châu đã từng cùng với tướng Nguyễn Vũ Chi phá được đội chiến thuyền của vua Lâm Ấp là Phạm Dương Mại đến quấy phá Giao Châu.

     Theo gia phả họ Nguyễn ở Hoằng Hóa (Thanh Hóa) thì con cháu của Nguyễn Phu ở lại đất Giao Châu truyền đến Đức Nguyễn Bặc là Thái Tể dưới triều nhà Đinh nước ta. Đức Thái Tể Nguyễn Bặc có quê ở Đại Hữu (Gia Viễn, Ninh Bình). Hiện nay tại thôn Vân Hà, xã Gia Phượng còn ngôi mộ phát tích của họ Nguyễn (trước đời Đức Nguyễn Bặc). Các nhánh họ Nguyễn ở nước ta vì  không thể xác định rõ được nguồn gốc sâu xa của tổ tiên một cách chắc chắn nên về sau phần lớn đều chấp nhận lấy Đức Thái Tể Nguyễn Bặc làm Thủy Tổ và nhận Gia Miêu (Tống Sơn, Thanh Hóa) làm nguyên quán…

     Bên cạnh đó, vào đời nhà Thương (1766-1123 trước TL) ở vùng Kinh Châu, nay thuộc huyện Kinh Xuyên, tỉnh Cam Túc của Trung Quốc, có một tiểu quốc gọi là Nguyễn. Đến đời nhà Chu, nước này lấy quận Trần Lưu thuộc phủ Khai Phong làm nguyên quán. Cho nên, vì nhận là con cháu Nguyễn Phu nên một số họ Nguyễn đã lấy quận Trần Lưu là nơi phát tích, từ đó khi viết tên một người nào đó lên văn bia, văn tế đều ghi Trần Lưu quận trước họ và tên (Ví dụ: Trần Lưu quận Nguyễn Văn A; Trần Lưu quận Nguyễn Thị B…).


*
*     *

   
      Tuy nhiên, luận cứ về họ Nguyễn ở nước ta phát tích từ Trung Quốc đã  bị rất đông các nhà sử học khác bác bỏ, do bởi theo nghiên cứu của họ, khẳng định: Dòng họ Nguyễn ở nước ta có gốc tích thuần Việt. 
Để chứng minh luận cứ này là đúng đắn, các nhà sử học đã nêu ra tư liệu khảo cổ học, cho thấy: Trong suốt thời Bắc thuộc, Châu Đại Hoàng (Ninh Bình) và Châu Ái (Thanh Hóa) vốn là hai vùng đồng bằng giáp với núi ở phía đông không có dấu tích di dân Trung Quốc, khác với nhiều vùng châu thổ sông Hồng. Bên cạnh đó, các nguồn sử liệu Việt Nam và Trung Quốc về thời Bắc thuộc không nói gì về việc Nguyễn Phu và tôn thất của ông ở lại Giao Châu sau thời làm quan ở Việt Nam (353-354). Vì vậy, cho rằng: Giao Châu thứ sử Nguyễn Phu có khả năng là Thủy tổ họ Nguyễn ở nước ta là không có bằng chứng khoa học.
    


*
*      *


B/ Biến cố thăng trầm của lịch sử khiến nhiều dòng họ khác đổi sang họ Nguyễn

     Ở nước ta, có những dòng họ lớn có lịch sử lâu đời mang họ Nguyễn; trong đó có nhiều triều vua (nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn). Tuy nhiên không phải tất cả những người mang họ Nguyễn đều có mối quan hệ nào đó. Bởi lẽ, qua những biến cố thăng trầm của lịch sử đã có nhiều trường hợp và sự kiện mang nhiều người đến với họ Nguyễn.
     Vấn đề này lịch sử cũng ghi chép khá cụ thể. Chẳng hạn như, vào năm 1232, nhà Lý suy vong, Trần Thủ Độ đã bắt con cháu của dòng họ Lý chuyển sang họ Nguyễn. Rồi khi Hồ Quý Ly lật đổ nhà Trần, ông ta đã giết rất nhiều con cháu của dòng họ Trần, vì vậy nhà Hồ sụp đổ, con cháu của họ Hồ vì sợ trả thù nên tất cả đã đổi sang họ Nguyễn. Năm 1592, nhà Mạc suy tàn, con cháu của dòng họ Mạc cũng lại đổi họ sang Nguyễn. Khi triều đại nhà Nguyễn nắm quyền năm 1802, một số con cháu của họ Trịnh cũng vì sợ trả thù nên lần lượt đổi họ sang Nguyễn, số còn lại trốn lên Bắc sang Trung Quốc. Trong luật của triều đại nhà Nguyễn, những người mang họ Nguyễn được hưởng nhiều đặc lợi, được triều đình ban thưởng, và vì thế các tội nhân cũng theo đó đổi họ sang Nguyễn nhằm tránh bị bắt...


*
*     *
C/  Thái Thủy tổ Định Quốc công Nguyễn Bặc (924-979)
  
    Các nhà sử học đều thống nhất quan điểm xác định: Thái Thủy tổ dòng họ Nguyễn ở nước ta là Định Quốc công Nguyễn Bặc, quê ở sách Bồng, thôn Đại Hữu, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, Ninh Bình.
     Sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, chép rằng, Ngài là người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (Ninh Bình), con trai của Ngài Nguyễn Thước là bộ tướng của Dương Đình Nghệ (triều Nam Hán cho làm An Nam Tiết độ sứ từ năm 931 đến năm 937) và của Ngô Quyền (939-944). Thuở nhỏ, Ngài kết nghĩa huynh đệ với Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Điền, Trịnh TúLưu Cơ. Do đó, khi nhà Ngô suy vong, Ngài cùng Đinh Điền, Trịnh TúLưu Cơ, cùng hai người anh Nguyễn BồNguyễn Phục, đều theo Đinh Bộ Lĩnh hùng cứ ở Hoa Lư. Năm 965, khi Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn tử trận, loạn 12 sứ quân nổi lên quấy phá, Ngài đã cùng các bộ tướng của Đinh Bộ Lĩnh đem quân đánh dẹp, lập nên nhiều công trạng. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua (Hoàng Đế Đinh Tiên Hoàng), Ngài được phong làm Định Quốc công, trông coi việc nội chính. Trong suốt thời kỳ từ năm 971 cho đến năm 979, Ngài làm tể tướng, Đinh Điền làm ngoại giáp, Trịnh Tú làm sứ quan và Lưu Cơ làm đô hộ phủ sĩ sứ, trở thành “tứ trụ” của triều đại nhà Đinh.
    
    Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, năm 979, Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt vương Đinh Liễn bị sát hại. Quan Chi hậu nội nhân là Đỗ Thích bị nghi là thủ phạm hàng đầu, sợ hãi bỏ trốn. Ba ngày sau, phát hiện Đỗ Thích, Định Quốc công Nguyễn Bặc đã cho quân lính bắt giết và cùng các đại thần tôn phò con nhỏ của Đinh Tiên Hoàng là Vệ Vương Đinh Toàn lên ngôi, tức là Đinh Phế Đế. Mẹ Phế Đế là Dương Vân Nga trở thành Thái hậu.
    
     Tuy nhiên, một số ý kiến của các nhà nghiên cứu hiện nay cũng đưa ra những tài liệu khảo cứu chứng minh, Đỗ Thích là người bị oan; chủ mưu chính của vụ sát hại Đinh Thiên Hoàng và Nam Việt vương Đinh Liễn là Lê Hoàn và Thái hậu Dương Vân Nga. Sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, ghi rằng: Lúc đó, Định Quốc công Nguyễn Bặc cùng quan ngoại giáp Đinh Điền làm phụ chính cho Phế Đế. Song, do Thái hậu  Dương Vân Nga tư thông với Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, cho Lê Hoàn làm Phó vương, nắm quyền chỉ huy quân đội, chuyên quyền, tự do ra vào cung cấm. Là bậc tôi trung, Định Quốc công Nguyễn Bặc lo lắng bàn với Đinh Điền, Phạm Hạp khởi binh, chia hai đường thủy bộ cùng tiến đánh Lê Hoàn. Ngài và Đinh Điền kéo quân từ châu Ái (nay thuộc Thanh Hoá), định kéo thẳng đến kinh đô để giết Lê Hoàn. Nhưng nghe tin, Dương Thái hậu bảo Lê Hoàn sắp xếp binh lính chặn đánh ở Ái Châu. Lê Hoàn
vốn là người giỏi dùng binh, đội quân của Định Quốc công Nguyễn Bặc và Đinh Điền không chống nổi, liền đem quân thủy ra đánh. Lê Hoàn theo chiều gió, phóng lửa đốt cả thuyền chiến. Đinh Điền bị chết tại trận, còn Ngài bị Lê Hoàn bắt đưa về kinh đô và giết hại. Ngài mất năm 56 tuổi, cùng sinh một năm và chết một năm với Vua Đinh Tiên Hoàng.

    Năm Đinh Dậu - 1917, Định Quốc công Nguyễn Bặc được vua Khải Định sắc phong là Hộ Quốc Tướng Công Trác Võ Thượng Đẳng Phúc Thần.


*
*      *


    Ngày nay, ở sách Bồng, thôn Đại Hữu, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, Ninh Bình, vẫn còn di tích nhà thờ Thái Thủy tổ (Khởi nguyên đường), mộ của Định Quốc công Nguyễn Bặc và khu mộ của tổ tiên Ngài, phát tích cho cả dòng họ Nguyễn ở nước ta. Khu mộ này nằm trên núi Hổ, hướng phương Nam đối diện khu mộ phát tích của họ Đinh nằm trên núi Kỳ Lân hướng phương Bắc.
    Khảo cứu tư liệu lịch sử và gia phả dòng họ Nguyễn ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), trong đó có tư liệu gia phả do Nguyễn Lữ soạn vào đầu thế kỷ XVI, các nhà nghiên cứu khẳng định: Hoằng Hóa là quê hương thứ hai của Định Quốc công Nguyễn Bặc. Do bởi, khi Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt vương Đinh Liễn bị sát hại, Thái hậu  Dương Vân Nga giao cho Lê Hoàn nắm quyền chỉ huy quân đội, chuyên quyền, tự do ra vào cung cấm, Định Quốc công Nguyễn Bặc đã đi Châu Ái (Thanh Hóa) tuyển mộ quân chống lại và đưa gia đình về đây lánh nạn...

*
*     *

     Một số tư liệu khác cũng ghi rằng, hai con trai của Nguyễn Bặc lánh nạn ở Bắc Giang, và từ đó cùng với quốc sư Vạn Hạnh mưu kế tôn phò Lý Công Uẩn lên làm vua. Tiếp đó, trong thời Lý - Trần, nhiều lần sau các vụ như Đỗ Anh Vũ bắt Nguyễn Dương (đời thứ 7) nhảy xuống giếng tự vẫn và bắt Nguyễn Quốc (đời thứ 7) uống thuốc độc, sự xung đối của Nguyễn Nộn (đời thứ 8) với Trần Thủ Độ, quân Nguyên-Mông ba lần sang xâm lược, Hồ Quý Ly (làm vua từ năm 1400 đến năm 1401) giết 389 trung thần của nhà Trần, Giản Định Đế (1407-1409) và Trung Quan Đế (1409-1413) chống giặc Minh, hậu duệ Nguyễn Bặc
phải bỏ chạy lánh nạn chu di . Đến Nguyễn Biện, hậu duệ đời thứ 16 của Nguyễn Bặc, sau khi bố tên là Nguyễn Minh Du bị giết, đã chạy sang sách Gia Hưng, và được an táng ở đó, tại núi Thiên Tôn.
    Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV, 13 đời dòng họ Nguyễn tiếp tục phò nhà Hậu Lý, rồi nhà Trần, rồi chống Hồ Quý Ly và phò nhà Hậu Trần vào đầu thế kỷ XV.
     Đến đời thứ 18, các cháu của Nguyễn Biện bắt đầu tham gia khởi nghĩa Lam Sơn rất sớm – ngay từ hồi hội thề Lũng Nhai năm 1416. Đó là Nguyễn Lý (con của Nguyễn Tác, chi trưởng), sang cư trú ở thôn Đào Xá (Lam Sơn). Sau khi mất, Nguyễn Lý được thờ cùng đền với Nguyễn Bặc ở xã Ngô Khê Hạ (huyện Gia Viễn, Ninh Bình), nơi Lê Hoàn hành hình Thái Thuỷ tổ họ Nguyễn. Thứ nữa là Nguyễn Dã (con thứ 3 của Nguyễn Chư). Sau vụ Trần Nguyên Hãn bị oan phải nhảy xuống sông tự vẫn và Nguyễn Trãi bị hạ ngục vào năm 1429, Nguyễn Dã sợ bị liên lụy, cùng với hai con trai và đám người thân thuộc chạy sang Vân Nam, đổi thành họ Ngạc. Tiếp nữa là Nguyễn Công Duẩn (con của Nguyễn Chư, chi thứ). Đến tuổi già, Nguyễn Công Duẩn được coi việc quân dân ở huyện nhà, và xin đổi huyện Tống Giang thành huyện Tống Sơn, thôn Gia Hưng thành Gia Miêu Ngoại trang. Nguyễn Lý, Nguyễn Dã và Nguyễn Công Duẩn  được phong Bình Ngô khai quốc công thần, ban quốc tính. Nguyễn Đức Trung (đời thứ 19) là con trai cả của Nguyễn Công Duẩn, vào năm 1460 cùng với hai em ruột Nguyễn Nhân Chính và Nguyễn Nhân Hiếu tham gia hạ bệ Nghi Dân, tôn phò vua Lê Thánh Tông, và được phong Tán trị công thần. Nguyễn Thị Ngọc Hằng (đời thứ 20), con gái thứ 2 của Nguyễn Đức Trung , được tuyển làm sung nghi của vua Lê Thánh Tông, sinh ra vua Lê Hiến Tông, năm 1470 được lập làm quý phi, năm 1497 – Hoàng Thái hậu và năm 1504 – Thái Hoàng Thái hậu. Trường Lạc Cung vừa mới được khai quận ở khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu, Hà Nội, chính là nơi ở của bà từ năm 1497...
     Vào năm 1558, một bộ phận hậu duệ không nhỏ của các dòng-chi họ Nguyễn đi vào Đàng Trong phò chúa Nguyễn Hoàng. Các chi ở lại ngoài Bắc và tiếp tục phục vụ chính quyền Lê - Trịnh bắt buộc phải giấu gốc tích thực sự của mình, như dòng họ Nguyễn Cảnh ở xã Nông Sơn (huyện Nam Đường, Nghệ An)...





*
*     *
D / Kết luận:

     Trên cơ sở nghiên cứu của các nhà sử học và gia phả của dòng họ Nguyễn ở Hoằng Hóa (Thanh Hóa) còn lưu lại, cùng với việc phát tích dòng họ Nguyễn Văn của Đức Thủy Tổ Nguyễn Văn Phú từ quê hương Hoằng Hóa, Thanh Hóa (Hiển tổ vi xuất Thanh Ba trấn, Hoằng Hóa huyện, Từ Quang tổng, Nguyệt Viên xã chi tiềm tông – bản văn thuật sự về thân thế, sự nghiệp Đức Thủy tổ Nguyễn Văn Phú), thì rõ ràng dòng họ Nguyễn Văn – Phú Triêm của chúng ta có gốc tích từ lâu đời; không phải từ dòng họ nào khác do biến cố thăng trầm của lịch sử mà đổi thành. Và như vậy, Thái Thủy tổ của dòng họ Nguyễn Văn – Phú Triêm của chúng ta chính Thái tể Định Quốc công Nguyễn Bặc, khai quốc công thần nhà Đinh; tức là vị Tể tướng đầu tiên của nước ta từ thế kỷ thứ X.   








0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates | Macys Printable Coupons